Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 dài hơn 53 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 23/10, đề nghị các Bộ, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến đối với tờ trình về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa gửi Thủ tướng.
Theo tờ trình, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53,7 km, theo hình thức đối tác công – tư (PPP) – hợp đồng BOT. Trong đó 34,2 km qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là 19,5 km. Điểm đầu cao tốc nối đường tránh quốc lộ 1A qua TP Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP Bà Rịa (thuộc quốc lộ 56).
Quy mô cao tốc sẽ phân kỳ bốn đoạn, trong đó đoạn Biên Hòa – Long Thành có quy mô 4 làn xe; các đoạn Long Thành – Tân Hiệp, Tân Hiệp – Phú Mỹ cùng có quy mô 6 làn xe, đoạn Phú Mỹ – nút giao quốc lộ 56 có 4 làn. Trên toàn tuyến có 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cây cầu đường ngang vượt cao tốc.
Theo tính toán sơ bộ, tổng diện tích đất để xây cao tốc khoảng 588,5 ha; tổng vốn thực hiện dự án hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 9.100 tỷ đồng; bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư hơn 5.900 tỷ đồng.
Về cơ cấu vốn, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn hai tỉnh và một phần chi phí xây lắp tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhà đầu tư huy động 12.242 tỷ đồng và nguồn tạm ứng ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để chuẩn bị đầu tư dự án.
Dự kiến quý I/2023, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ khởi công, hoàn thành vào năm 2025. Nhà đầu tư được phép thu phí trong thời gian dự kiến 24 năm 6 tháng.
Bộ Giao thông Vận tải trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hôm 20/10, đánh giá cao tốc này có vai trò rất quan trọng trong kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, đặc biệt là các khu kinh tế công nghiệp lớn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Cái Mép – Thị Vải và dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ giải tỏa áp lực cho quốc lộ 51. Hiện con đường huyết mạch nối Vũng Tàu, TP HCM và Đồng Nai đã quá tải. Trong tương lai, khi hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải tăng công suất và cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành thì tình trạng quá tải trên quốc lộ này sẽ trầm trọng hơn.
Được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2016, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, với tổng chiều dài 77,8 km, được chia thành hai dự án thành phần. Bốn tháng trước, Chính phủ cho phép tách đoạn tuyến từ nút giao thông từ TP Bà Rịa đến TP Vũng Tàu ra khỏi dự án.